Tìm hiểu về các thuốc điều trị thoái hóa điểm vàng

0
1544
Thuốc điều trị thoái hóa điểm vàng

Chúng ta có thể nhìn thấy thế giới xung quanh một cách sinh động là nhờ có võng mạc và phần trung tâm của võng mạc được gọi là điểm vàng. Thoái hóa điểm vàng là một bệnh rối loạn thị giác thường gặp, tùy thuộc vào từng loại thoái hóa điểm vàng sẽ có những triệu chứng, các loại thuốc cũng như phương pháp điều trị khác nhau. Hãy cùng The Beaumont tìm hiểu về thuốc điều trị bệnh  thoái hóa điểm vàng trong bài viết dưới đây nhé! 

Thoái hóa điểm vàng (AMD) là gì?

Thoái hóa điểm vàng hay thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) là một bệnh rối loạn thị giác thường gặp ở người cao tuổi, gây giảm thị lực trung tâm, ảnh hưởng đến khả năng nhìn nhận xung quanh. 

Thoái hóa điểm vàng là tên gọi chung cho nhóm bệnh thoái hóa võng mạc mạn tính, là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực ở người trên 60 tuổi, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến những khuyết tật thị giác.

Có hai loại thoái hóa điểm vàng:

  • Dạng khô: chiếm đến 90%, xảy ra khi có sự gia tăng chất lắng cặn màu vàng (gọi là drusen) dưới điểm vàng. Các tế bào của cơ quan cảm thụ ánh sáng trong điểm vàng bị thoái hóa và teo đi làm giảm thị lực trung tâm của mắt.
  • Dạng ướt: chỉ chiếm 10%, xảy ra khi các mạch máu phát triển bất thường dưới võng mạc và điểm vàng, có thể vỡ ra gây rò rỉ máu và các chất dịch bên trong võng mạc. Đây là dạng tổn thương nghiêm trọng, nguy cơ cao dẫn đến mù lòa. 

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân

Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thoái hóa điểm vàng, người già trên 60 tuổi là nhóm nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Những nguy cơ khác gây ra thoái hóa điểm vàng bao gồm:

  • Tiền sử gia đình và di truyền
  • Lối sống không lành mạnh: hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều,…
  • Giới tính: phụ nữ nguy cơ cao gấp 2 lần nam giới
  • Bệnh lý: bệnh lý về tim mạch (cao huyết áp, tăng cholesterol,…)
  • Chế độ dinh dưỡng: thiếu hoặc thừa chất.

Triệu chứng thường gặp

Thoái hóa điểm vàng là một bệnh tiến triển, điều đó có nghĩa là nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Thoái hóa điểm vàng dạng ướt tiến triển nhanh hơn dạng khô. Các dấu hiệu và triệu chứng của thoái hóa điểm vàng bao gồm:

  • Giảm thị lực trung tâm: khó khăn khi phải tập trung thị lực, đọc sách hoặc viết lách/
  • Các đường thẳng trong tầm nhìn xuất hiện biến dạng hay gợn sóng
  • Khó thích nghi với ánh sáng mờ, yếu 
  • Mắt mỏi hoặc mờ mịt
  • Ảo giác các dạng hình học, người hoặc động vật
  • Giảm cường độ màu sắc, ánh sáng khi nhìn một vật
  • Các triệu chứng xấu đi nhanh chóng (thoái hóa điểm vàng dạng ướt)

Thuốc điều trị thoái hóa điểm vàng 

Các thuốc điều trị thoái hóa điểm vàng hầu hết chỉ điều trị dạng ướt ở giai đoạn tiến triển, giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa suy giảm thị lực trầm trọng. Đối với dạng khô, liệu pháp dinh dưỡng với chế độ ăn uống lành mạnh được ưu tiên, nếu bệnh vẫn tiến triển sẽ bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để bảo vệ mắt, tăng cường thị lực và hỗ trợ cấu trúc tế bào của điểm vàng.

Nhóm thuốc chống tăng sinh mạch máu (thuốc kháng VEGF)

Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) là một protein được sản sinh từ các tế bào trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các mạch máu mới. Tuy nhiên, khi sự phát triển VEGF quá giới hạn, các mạch máu sẽ vỡ ra làm rò rỉ máu và các chất dịch vào trong võng mạc, gây thoái hóa điểm vàng dạng ướt. 

Nhóm thuốc kháng VEGF gồm:

  • Pegaptanib (Macugen)
  • Ranibizumab (Lucentis)
  • Bevacizumab (Avastin)
  • Aflibercept (Eylea)
  • Brolucizumab-dbll (BEOUVU)

Thuốc kháng VEGF là những kháng thể đơn dòng, hoạt động dựa trên nguyên tắc ức chế yếu tố tăng trưởng VEGF để ngăn chặn sự hình thành các mạch máu mới, làm chậm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa suy giảm thị lực. Thuốc được sử dụng bằng cách tiêm trực tiếp vào nhãn cầu, liều lượng phụ thuộc vào từng loại thuốc và sự tiến triển của bệnh.

Các tác dụng phụ có thể gặp:

  • Gây đau mắt tạm thời (nhẹ)
  • Nhìn thấy các đốm hoặc chấm theo chuyển động của mắt.
  • Hiếm gặp: viêm nội nhãn, đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc,…

Vitamin và khoáng chất

Vitamin A

Là chất chống oxy hóa, tăng cường sức khỏe niêm mạc và giác mạc, tạo sắc tố võng mạc giúp điều tiết mắt, giúp mắt thích nghi được trong điều kiện thiếu ánh sáng. Vitamin A có nhiều trong gan, cá, trứng, thịt, các loại rau củ như cà chua, cà rốt, rau xanh hoặc thuốc là các viên nang uống, ống tiêm dạng phối hợp.

Vitamin B2

Giúp hỗ trợ gia tăng trao đổi chất của tế bào mắt, giảm sung huyết thần kinh thị giác, điều hòa chức năng thị giác. Thiếu vitamin B2 gây ra các triệu chứng mờ mắt, mỏi mắt, chảy nước mắt,… Thường có nhiều trong sữa và các chế phẩm sữa, men bia, lòng trắng trứng,…

Vitamin C

Bảo vệ mắt khỏi tác hại tia cực tím, chống oxy hóa, ngăn ngừa và hạn chế xuất huyết kết mạc và chảy máu trong nhãn cầu. Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả như trái cây họ cam quýt, súp lơ, ớt chuông,… Ngoài ra các chế phẩm hiện có ở dạng viên C sủi, viêm ngậm, dịch tiêm hoặc viên vitamin tổng hợp.

Vitamin E

Có nhiều trong dầu thực vật, hạt ngũ cốc, mầm lúa mì,… Vitamin E là một chất chống oxy hóa tuyệt vời, bảo vệ màng tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do, hỗ trợ cải thiện tình trạng giảm thị lực, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.

Axit béo omega-3

Omega-3 là một axit béo không bão hòa thiết yếu cho cơ thể, gồm 3 loại chủ yếu là DHA, DPA, EPA. DHA được tìm thấy lượng lớn trong võng mạc giúp duy trì chức năng của mắt. Bổ sung thường xuyên omega-3 giúp giảm tình trạng khô mắt, làm sáng mắt, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt. Omega-3 có nhiều trong thực phẩm là dầu cá, tôm, hải sản, trứng,… và ngoài ra cũng có thể dùng viên nang uống bổ sung. 

Kẽm

Là một phần của nhiều enzyme thiết yếu có chức năng như một chất chống oxy hóa. Kẽm liên quan đến sự hình thành các sắc tố thị giác trong võng mạc, thiếu kẽm có thể dẫn đến chứng mù đêm. Thường xuyên bổ sung kẽm cũng làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi. Nguồn thực phẩm tự nhiên bổ sung kẽm bao gồm: thịt, hải sản, ngũ cốc,…

Lutein và Zeaxanthin

Là các chất chống oxy hóa, tập trung ở phần trung tâm võng mạc. Hai chất này hoạt động bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh có hại. Người trưởng thành cần ít nhất 6 mg lutein và zeaxanthin mỗi ngày để giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng. Rau lá xanh, trứng, ngô, nho đỏ,… được biết đến là có chứa nhiều lutein và zeaxanthin.

Thị giác là một món quà vô cùng quý giá, nhưng giống như mọi thứ khác trong cơ thể chúng ta, nó suy giảm, thoái hóa theo tuổi tác. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị, hãy luôn sử dụng một chế độ dinh dưỡng đủ chất, hoạt động thể thao thường xuyên, tránh các yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh thoái hóa điểm vàng. Và điều quan trọng là phải khám mắt định kỳ thường xuyên để xác định các dấu hiệu sớm của bệnh giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm thiểu mất thị lực.

Có thể bạn quan tâm:

Bài trướcThoái hóa điểm vàng thể ướt – Triệu chứng và điều trị
Bài tiếp theoCảnh báo: Phúc Nhãn Khang và những thông tin mập mờ về sản phẩm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây